Tùy bút: “Lắng Nghe Để Hiểu, Nhìn Lại Để Thương” là hai phương pháp Đức Phật đã từng dạy: đó là sự hiểu biết và thương yêu – sự giác ngộ và từ bi. Giáo pháp và phương tiện của Phật pháp thì bao la rộng lớn nhưng trong cuộc sống có hai phương pháp thực tập có thể mang lại cho mỗi chúng ta sự an lạc và hạnh phúc rất thiết thực và ý nghĩa đó là “Hiểu biết và thương yêu”. Bởi có hiểu mới có tình thương sâu sắc, hai phương diện này có mối tương quan, tương duyên với nhau.
Đầu tiên là “Lắng nghe để hiểu”, đó cũng chính là trí tuệ, có trí tuệ mới có thể “nhìn lại để thương”, đây cũng là từ bi. Đạo Phật đi vào đời bằng con đường giác ngộ và từ bi, vì sự nhập thế là ban vui và cứu khổ ấy mà Đạo Phật luôn tồn tại trong lòng người dân hơn hai mươi sáu thế kỷ qua. Sở dĩ con người ta vẫn còn nhiều đau khổ là họ còn chiều theo cảm xúc của mình, còn dung túng cho lỗi lầm của mình đã gây ra, hạt giống bồ đề chưa được tưới tẩm bằng tình yêu thương đích thực; chưa chia sẻ và cảm thông cho nhau, bởi tâm tham, tâm sân…, và bản ngã của ta còn quá nhiều, lòng từ của ta chưa rộng lớn.
Vậy muốn trái tim không còn khoảng cách, có thể lắng nghe và thấu hiểu thì chúng ta hãy thắp lên một ngọn lửa tâm ý tương thông để có thể lắng nghe nhau. Hạnh lắng nghe là hạnh của Bồ tát, chúng ta muốn thực hiện được hạnh này thì chúng ta hãy thực tập trải tâm từ. Trải tâm từ: xa là thương yêu đến muôn loài vạn vật; gần là đến những người sống xung quanh ta, chúng ta có thể trải tâm đến người nói xấu ta, chửi mắng ta, dẫu biết rằng chấp nhận và tha thứ cho người đã làm mình khổ đau là rất khó, nhưng thực hành cách trải tâm từ ta sẽ làm được điều khó làm. Như vậy, muốn có được yêu thương thật lòng, ta phải tập “lắng nghe” trước đã, nhờ đó mà ta sẽ bình tâm lại để lắng nghe tất cả những chia sẻ của mọi người, họ chia sẻ về lỗi khổ niềm đau trong cuộc sống, ta chỉ cần ngồi lắng nghe họ nói họ sẽ cảm thấy có người đồng cảm, có người hiểu là họ đã cảm thấy hạnh phúc rồi. Đôi khi những nỗi khổ ấy do tri giác sai lầm của chính họ gây ra, nhưng vẫn cho là mình đúng, ta hãy lắng nghe bằng tâm tỉnh thức của chính mình, để rồi lúc nào đó thuận thời ta lại phân tích, giải thích cho họ hiểu và nhận ra tri giác sai lần mà đưa mình đến bực bội khổ đau. … Duy trì được tâm từ bi thương yêu chia sẻ ấy trong suất buổi ngồi nghe là ta thành công rồi.
Hạnh phúc lớn nhất của đời người là mang lại niềm vui cho người khác. Niềm vui sẽ được nhân đôi và nỗi buồn vơi đi một nửa khi chúng ta biết cách sẻ chia. Vậy thì vì sao “lắng nghe mới có thể hiểu?” Bởi vì chúng ta biết rằng, do tri giác sai lầm như thế nên người kia mới tự làm khổ mình và làm khổ người mình thương, lúc này tâm họ đang mù quáng, không biết điểm sai của bản thân mình, chỉ biết nói lỗi của người… chúng ta duy trì sự chăm chú lắng nghe nên mới hiểu được tâm tư nguyện vọng, mong muốn của họ, khi nghe kỹ, phân tích ta mới thấy sâu thẳm bên trong mỗi người đều trỗi lên Phật tánh bên trong, chỉ do họ chưa có bản lĩnh để đối diện với cái sai do bản ngã, khó nói lời xin lỗi và luôn biện luận che dấu khuyết điểm của mình, để trong mắt mọi người mình luôn hoàn hảo. Vì thế, mọi người nên thực tập lắng nghe để nhìn sâu, hiểu biết, chấp nhận, tha thứ và để nuôi dưỡng tâm yêu thương, vì có nghe mới có hiểu, có hiểu mới có yêu thương. Ngay trong đời sống của người tu sĩ cũng lấy lục hòa là kim chỉ nam.
Đối với đời sống của người thế tục cũng vậy: cha mẹ không hiểu con cái của mình, anh em không hiểu nhau, đồng nghiệp không thông cảm, bàn bè ganh tỵ nhau thì đưa đến khổ đau cho nhau, khó mà hòa thuận xây dựng được những giây phút bình yên. Và muốn người khác sẵn sàng trải tâm, tin tưởng gửi gắm tình cảm, lỗi khổ niềm đau cho ta thì trước hết bản thân ta tự chuyển hóa mình, tự thân mình sẽ trở thành những bông hoa tươi mát trước, hãy để cho tâm ta lắng xuống và tiếp xúc với sự nhầu nhiệm của cuộc sống bằng hơi thở chánh niệm, tiếp xúc sâu sắc với thiên nhiên để tâm hồn ta trở lên trong sáng, tâm ta chan chứa bằng tình yêu thương, đây chính là nền tảng tu tập căn bản, là sự bình an trong lòng của mình. Trong mỗi con người chúng ta dều có hạt giống hiền lành, hạt giống thương yêu, hiểu biết, chấp nhận, tha thứ và bao dung. Ta tập tưới tẩm hạt giống đó mỗi ngày và mở lòng ra để thay đổi. Sư ông Làng Mai có dạy: “Các con, tu là tưới tẩm hạt giống yêu thương”. Có hiểu mới có thương, Có nhìn lại như thế ta mới có thể “hiểu và thương”. Làm được như vậy, là chúng ta đã tu theo pháp tu Nhĩ căn viên thông của Bồ Tát Quan Thế Âm, thể hiện tinh thần Bồ tát đạo”Ban vui và cứu khổ”, cũng là lối sống cao thượng của người đệ tử Phật, phụng sự nhân sinh là trải lòng yêu thương của mình đến với mọi người trong tỉnh thức, “biết lắng nghe và biết thấu hiểu” (từ bi và trí tuệ). nói cách khác, khi ta biết lắng nghe và nhìn lại để hiểu, để thương yêu thì bất cứ ai cũng là một vị Bồ tát Quan Thế Âm.
Diễn giả: TKN. Thích Nữ Diệu Quang